Bối cảnh và lịch sử Cách_mạng_Quyền_lực_Nhân_dân

Tổng thống Ferdinand Marcos

Ferdinand E. Marcos đắc cử tổng thống vào năm 1965, chiến thắng tổng thống đương nhiệm là Diosdado Macapagal với tỷ lệ 52% so với 43%. Trong thời gian này, Marcos rất tích cực khởi xướng các dự án công trình công cộng và tăng cường thu thuế. Marcos và chính phủ của mình tuyên bố rằng họ "xây thêm nhiều đường hơn toàn bộ những người tiền nhiệm cộng lại, và nhiều trường học hơn bất kỳ chính phủ nào trước đó."[9] Trong khi bị các đảng đối lập cáo buộc mua phiếu và gian lận bầu cử, Marcos tái đắc cử tổng thống vào năm 1969, lần này đối thủ của ông là Sergio Osmeña, Jr..

Nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì của Marcos bị ảnh hưởng từ các cáo buộc của Đảng Tự do đối lập về nạn tham nhũng tràn lan. Theo những phần tử cánh tả nổi loạn trong "Bão táp Quý I" năm 1970, gia tăng chênh lệch của cải giữa những người rất giàu và rất nghèo vốn chiếm đa số dân chúng Philippines dẫn đến gia tăng tội phạm và bất ổn dân sự trên toàn quốc. Các yếu tố này, bao gồm sự kiện Quân đội Nhân dân Mới thành lập vào năm 1968 nhân sinh nhật Mao Trạch Đông,[10] một cuộc khởi nghĩa cộng sản được Trung Quốc ủng hộ về tài chính và quân sự,[11] và một phong trào ly khai Hồi giáo đẫm máu tại đảo Mindanao do Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro lãnh đạo với hậu thuẫn từ Malaysia và cũng bị cáo buộc là từ Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Ninoy Aquino,[12][13] góp phần gia tăng nhanh chóng nỗi bất mãn của dân chúng và náo loạn trong nước.

Ngày 23 tháng 9 năm 1972, viện lý do 15 sự kiện đánh bom và một cuộc khởi nghĩa cộng sản vũ trang dâng cao,[14] Marcos tuyên bố thiết quân luật bằng một tuyên cáo tổng thống. The Washington Post tiết lộ vào năm 1989 rằng những người cộng sản âm mưu vụ đánh bom Plaza Miranda vào năm 1971 để kích động Marcos đàn áp thắng tay các đối thủ của mình và do đó khiến họ gia tăhg thành viên mới để sử dụng viện trợ vũ khí và tài chính từ Trung Quốc.[11]

Thiết quân luật được 90,77% cử tri thông qua trong trưng cầu dân ý vào năm 1973, song cuộc trưng cầu này có tranh cãi. Primitivo Mijares, tác giả của sách The Conjugal Dictatorship,[15] cáo buộc rằng không thể có bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp nào được tổ chức từ 10 đến 15 tháng 1 năm 1973 do 35.000 hội đồng của công dân chưa từng họp và rằng bỏ phiếu tại các khu tự quản thực hiện bằng cách giơ tay.[16][17]

Do Marcos bị cấm tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vào năm 1973, có cáo buộc rằng ông ban hành thiết quân luật để kéo dài thời gian tại vị của mình. Rigoberto Tiglao, cựu thư ký báo chí và cựu phần tử cộng sản bị tống giam trong thiết quân luật,[18] lập luận rằng các đảng tự do và cộng sản kích thích việc áp đặt thiết quân luật.[19] Một hội nghị lập hiến được triệu tập vào năm 1970 nhằm thay thế hiến pháp năm 1935 từ thời Thịnh vượng chung, tiếp tục công việc lập khung hiến pháp mới sau khi tuyên bố thiết quân luật. Hiến pháp mới có hiệu lực vào đầu năm 1973, đổi hình thức chính phủ từ thể chế tổng thống chế sang thể chế nghị viện và cho phép Marcos giữ quyền lực sau năm 1973. Hiến pháp được 95% cử tri phê chuẩn trong một cuộc bỏ phiếu phổ thông.

Thông qua sắc lệnh này và việc sau đó nó được cử tri tán thành, Marcos giành được quyền lực khẩn cấp khiến ông kiểm soát hoàn toàn quân sự của Philippines và có quyền lực đàn áp và bãi bỏ tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhiều quyền tự do dân sự khác. Marcos cũng bãi bỏ Quốc hội Philippines và đóng cửa các tổ chức truyền thông chỉ trích chính phủ Marcos.[20]

Marcos cũng ra lệnh lập tức bắt giữ các đối thủ chính trị và người chỉ trích ông. Trong số người bị bắt có Chủ tịch Thượng nghị viện Jovito Salonga, Thượng nghị sĩ Jose Diokno, và Thượng nghị sĩ Benigno Aquino Jr.- người bị Marcos liên kết với cộng sản[21] và là người phái đối lập chuẩn bị để kế nhiệm Marcos sau bầu cử năm 1973.[20] Ngày 25 tháng 11 năm 1977, Ủy ban Quân sự buộc tội Aquino cùng với hai đồng bị cáo của ông là các thủ lĩnh Quân đội Nhân dân Mới Bernabe Buscayno và Victor Corpuz, phạm phải mọi cáo buộc và tuyên án xử bắn.[22] Trong khi các cuộc phỏng vấn với các cựu thủ lĩnh cộng sản tiết lộ rằng Aquino cung cấp cho cộng sản vũ khí, khu vực huấn luyện và nơi tạm trú[23] để lật đổ Marcos, ông bác bỏ bản thân là một thủ lĩnh cộng sản hay một phần tử cộng sản. Trong bài phát biểu chưa được công bố của ông khi trở về từ Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 8 năm 1983, Aquino nói rằng "Tôi bị tuyên án tử vì bị cho là thủ lĩnh cộng sản hàng đầu. Tôi không phải là người cộng sản, chưa từng và sẽ không bao giờ." [24]

Năm 1978, trong khi vẫn ở trong tù, Aquino thành lập chính đảng Lakas ng Bayan (viết tắt "LABAN"; nghĩa là quyền lực của nhân dân) để chạy đua chức vụ trong Batasang Pambansa (Nghị viện) lâm thời. Toàn bộ ứng cử viên của LABAN thất cử, trong đó có bản thân Ninoy và Alex Boncayao, một người về sau liên kết với Nhóm sát thủ cộng sản Philippines là Lữ đoàn Alex Boncayao[25][26].

Trên thực tế toàn bộ đối thủ chính trị của Marcos đã bị bắt giữ và sống lưu vong, tuyên bố thiết quân luật phủ đầu của Marcos vào năm 1972 và cử tri phê chuẩn hiến pháp mới cho phép Marcos hợp pháp hóa hữu hiệu chính phủ của mình và giữ quyền lực thêm 14 năm sau hai nhiệm kỳ tổng thống ban đầu. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Marcos duy trì sự ủng hộ của Hoa Kỳ nhờ cam kết đánh dẹp chủ nghĩa cộng sản tại Philippines và đảm bảo Hoa Kỳ được tiếp tục sử dụng các căn cứ lục quân và hải quân tại Philippines.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cách_mạng_Quyền_lực_Nhân_dân http://www.ualberta.ca/~vmitchel/fw9.html http://www.abs-cbnnews.com/storypage.aspx?StoryId=... //www.amazon.com/dp/B0000EEE8J http://asianjournalusa.com/max-soliven-recalls-nin... http://findarticles.com/p/articles/mi_m1079/is_v86... http://www.gmanetwork.com/news/story/198820/news/s... http://www.informaworld.com/smpp/content~content=a... http://manilastandardtoday.com/opinion/columns/bac... http://manilastandardtoday.com/opinion/columns/vir... http://www.oup.com/uk/catalogue/?ci=9780199552016